Việc sáp nhập không chỉ góp phần kiện toàn bộ máy chính quyền cơ sở mà còn tạo điều kiện thuận lợi để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng đất đai, lao động và các nguồn lực tại địa phương. Xã Hương Sơn mới mang trong mình bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và tinh thần đoàn kết của các vùng đất hợp thành, là tiền đề vững chắc để xây dựng một địa phương phát triển toàn diện, bền vững, phấn đấu sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Với khí thế mới, diện mạo mới và quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hương Sơn đang nỗ lực không ngừng để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
I. Vị trí địa lý, diện tích, dân số
1. Sự hình thành: Xã Hương Sơn được hình thành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: An Tiến, Hùng Tiến, Vạn Tín, Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Lý do lấy tên xã mới là Hương Sơn: Xã Hương Sơn thuộc huyện Mỹ Đức, địa danh Hương Sơn nổi tiếng, gắn với quần thể danh thắng chùa Hương với hệ thống núi non, có rừng Hương Sơn với 3 tầng thực vật, có suối Yến trong xanh. Du khách đến chùa Hương vừa là để lễ Phật, vừa được thưởng ngoạn một vùng non nước kỳ vĩ nên thơ với những núi non, hang động, chùa chiền - nơi lưu truyền Phật thoại Nam Hải Quán Thế Âm Bồ tát tu hành đắc đạo, lưu dấu thơm trên đất Phật. Như vậy, việc lấy tên xã mới là Hương Sơn đảm bảo giữ được tính đặc trưng, đặc thù, bản sắc của các địa phương, đặc biệt là những vùng văn hóa tiêu biểu.
2. Vị trí địa lý: Xã Hương Sơn giáp các xã: Hòa Xá, Mỹ Đức của thành phố Hà Nội; tỉnh Ninh Bình và tỉnh Phú Thọ
3. Diện tích, dân số: Xã Hương Sơn có diện tích tự nhiên là 69,11 km2; quy mô dân số là 52.634 người.
Bản đồ địa giới hành chính xã Hương Sơn, Thành Phố Hà Nội
TT | Xã hình thành trên cơ sở | Diện tích (km2) | Quy mô dân số (người) | Ghi chú |
1 | Xã An Tiến (Huyện Mỹ Đức) | 9,77 | 7.814 | |
2 | Xã Hùng Tiến (Huyện Mỹ Đức) | 8,83 | 8.023 | |
3 | Xã Vạn Tín (Huyện Mỹ Đức) | 9,62 | 13.219 | |
4 | Xã Hương Sơn (Huyện Mỹ Đức) | 40,89 | 23.578 | |
| Tổng | 69,11 | 52.634 | |
| | | | |
| | | | | |
II. Đặc điểm kinh tế, xã hội
Xã Hương Sơn nằm ở cửa ngõ phía Nam của thành phố Hà Nội, giáp ranh với tỉnh Ninh Bình và tỉnh Phú Thọ. Vị trí này không chỉ thuận lợi cho liên kết nội vùng mà còn mở ra nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp và dịch vụ.
Với địa hình đa dạng, kết hợp giữa đồng bằng và đồi núi - chủ yếu là núi đá vôi, rừng tự nhiên cùng hệ thống hang động, sông suối phong phú - xã có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp đa dạng, bền vững. Đồng thời, đây cũng là lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh và các ngành thương mại, dịch vụ đi kèm.
1. Đặc điểm kinh tế
Hương Sơn có thế mạnh nổi bật là Quần thể di tích danh thắng chùa Hương, đây là trung tâm của kinh tế du lịch và dịch vụ. Sự phát triển của du lịch cũng kéo theo sự bùng nổ của thương mại và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và cư dân địa phương. Quần thể này không chỉ giúp nâng cao giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy nét đặc sắc của vùng đất Hương Sơn.
Hương Sơn có địa hình và khí hậu thuận lợi để phát triển kinh tế thông qua mô hình kết hợp nông - lâm - ngư nghiệp với du lịch. Nông nghiệp địa phương nổi bật với các sản phẩm đặc trưng như trồng lúa, rau, củ và các loại cây ăn quả; không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm mà còn trở thành đặc sản thu hút du khách. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc và gia cầm cũng được chú trọng, cùng với việc quy hoạch vùng đồng trũng để nuôi trồng thủy sản và trồng sen, tạo nên những sản phẩm đa dạng và cảnh quan hấp dẫn. Hương Sơn đang từng bước chuyển mình, tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế đa ngành bền vững.
2. Đặc điểm văn hóa - xã hội
Xã Hương Sơn có vị trí nằm ở khu vực phía Nam Thủ đô. Đây là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, là nơi phát triển và có những đóng góp đầu tiên trong nền văn minh sông Hồng (vùng đất này xưa kia thuộc không gian văn hóa Sơn Nam Thượng). Đặc biệt, nơi đây đã từng ghi danh Lý Nam Đế (Lý Bí) giành chủ quyền và duy trì nhà nước Vạn Xuân đến tận sau này[1]. Ngày nay, nhiều địa danh còn lưu dấu tích quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Hang Sũng Sàm (Hương Sơn) - di chỉ cư trú của người Việt cổ cách đây hàng nghìn năm.
Xã Hương Sơn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời có những nét đặc trưng riêng gắn với điều kiện tự nhiên và lịch sử phát triển của từng địa phương với tổng 80 di tích, trong đó 44 di tích đã được xếp hạng những di tích lịch sử - văn hóa như:
+ Di tích cấp Quốc gia đặc biệt bao gồm 20 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Quần thể Hương Sơn (Chùa Hương): Đền trình Phú Yên; Đền trình Đục Khê; Chùa – Hang Thanh Sơn; Động Hương Đài; Đền Hương Đài; Đền Ngũ Nhạc; Đền Ngũ Nhạc; Đình Yến Vỹ; Chùa Thiên Trù; Động Đại Binh; Động Chùa Tiên Sơn; Chùa Giải Oan, Động Tuyết Kình, Am Từ Vân; Động Hương Tích; Chùa Động Hinh Bồng; Chùa Bảo Đài; Chùa Ngư Trì; Chùa Tuyết Sơn; Am Phật Tích; Chùa, động Long Vân; Đền Trấn Song; Hang Sũng Sàm (động người xưa); Hang Sơn Thuỷ Hữu Tình. Quần thể này không chỉ là một danh lam thắng cảnh tự nhiên tuyệt đẹp mà còn là một di tích lịch sử - văn hóa - tâm linh đặc biệt, được xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào ngày 25/12/2017 theo Quyết định số 2082/QĐ-TTg. Đây là nơi hội tụ các giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc, với lễ hội chùa Hương có thời gian diễn ra dài nhất trong cả nước. Lễ hội tổ chức vào mùa xuân (mùng 6 tháng Giêng hàng năm), thu hút hàng vạn Phật tử và du khách. Lễ hội không chỉ là dịp hành hương mà còn là không gian trình diễn các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi, hát chèo, hát văn,…;
+ Di tích lịch sử cấp Quốc gia 02 di tích gồm: Đền Kim Bôi, Chùa Kim Bôi
+ Di tích xếp hạng cấp Thành phố 22 di tích gồm: Đình Vạn Phúc, Đình Đốc Hậu, Đình Tiên Mai, Đình Phú Yên, Chùa Tiên Mai, Đình Đông Bình, Đền Đông Bình, Đền Hưng Nông, Đình Hưng Nông, Chùa Đông Bình, Đình An Duyệt, Đền An Duyệt, Chùa Bạch Tuyết, Đền Nông Khê, Đình Bạch Tuyết, Chùa Nông Khê, Đình An Đà, Đình Thượng An Đà, Đền Mẫu An Đà, Đình Phú Duy, Đền Phú Duy, Đình Hoà Lạc.
+ Di tích chưa xếp hạng 36 di tích gồm: Chùa Hổ Khê, Chùa Hoà Lạc, Chùa Phú Duy, Đình Hiền Lương, Đình Hổ Khê, Miếu Hiền Lương, Miếu Phú Duy, Chùa Đốc Hậu, Chùa Đốc Tín, Đền Đốc Kính, Đền Mẫu Đốc Tín, Đền Thượng Đốc Kính, Chùa An Duyệt, Chùa Hưng Nông, Chùa Trung Hoà, Đền Am Trung Hoà, Đền Mẫu Thượng, Đền Quan Nghè, Đình Nông Khê, Đình Trung Hoà, Nhà thờ họ Nguyễn Công, Nhà thờ họ Nguyễn Đức, Chùa Hinh Hương, Chùa Hội Xá, Chùa Yến Vỹ, Đền Mẫu Thượng Đục Khê, Đền Mẫu Tiên Mai, Đền Tré, Đền Long Vân, Động Tiên, Hang Thanh Sơn, Nhà thờ dòng họ Vương, Chùa Vạn Phúc, Đền Thượng, Đình Kim Bôi, Quán Bà Sang.
Người dân Hương Sơn có nếp sống văn minh, hiếu khách, luôn nỗ lực giữ gìn cảnh quan và môi trường du lịch. Xã cũng tự hào về truyền thống lịch sử, đã được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
* Thiết chế văn hoá: 25/25 thôn có Nhà văn hoá đảm bảo nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của nhân dân trên địa bàn xã.
* Về giáo dục, Hương Sơn có đầy đủ hệ thống trường học các cấp học phổ thông, đáp ứng nhu cầu học tập tại chỗ của học sinh địa phương. Các trường học từng bước được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Một số trường tiêu biểu trên địa bàn như: Trường Mầm non Hương Sơn A, Trường Mầm non Hương Sơn B, Trường Mầm non An Tiến, Trường Mầm non Hùng Tiến; Trường Tiểu học Hương Sơn C, Trường Tiểu học An Tiến, Trường Tiểu học Hùng Tiến, Trường Tiểu học Hương Sơn A, Trường Tiểu học Hương Sơn B; Trường THCS An Tiến; Trường THCS Hùng Tiến, Trường THCS Hương Sơn,…
Về y tế, xã có hệ thống y tế cơ sở ngày càng được củng cố, đầu tư trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân địa phương.